Về cơ bản, máy rửa bát (hay máy rửa chén) là một con robot rửa chén đĩa. Ta chỉ việc bỏ bát đĩa bẩn, thêm chất tẩy rửa, thiết lập chu trình rửa thích hợp cho máy và nhấn nút. Máy rửa chén tự hoàn thành toàn bộ một loạt chức năng của mình.
Nguyên Lý Hoạt Động Của Máy Rửa Bát như sau:
· Xả nước vào
· Làm nóng nước đến nhiệt độ thích hợp
· Tự động mở hộp đựng chất tẩy rửa vào thời điểm thích hợp
· Phun nước thông qua hệ thống phun áp lực cao để làm sạch vết đồ ăn trên bát đĩa
· Xả nước bẩn
· Xịt thêm nước để tráng sạch bát đĩa
· Xả nước bẩn một lần nữa
· Tạo luồng khí nóng để làm khô bát đĩa (nếu người dùng thiết lập chức năng này)

Ngoài ra, máy rửa bát còn có thể tự giám sát để chắc chắn mọi quá trình đang hoạt động có chuẩn không. Bộ tính thời gian (hay một chiếc máy tính nhỏ) quy định thời lượng cho mỗi chu trình. Một bộ cảm biến để nhận biết nhiệt độ của nước và không khí trong máy để ngăn nhiệt độ nước trong máy quá nóng sẽ làm hư hại bát đĩa của bạn. Một bộ cảm biến khác có thể nhận biết được mực nước quá cao và lập tức kích hoạt chức năng thoát nước để nước không bị tràn ra. Thậm chí ở một số máy rửa bát còn có những bộ cảm biến cho phép phát hiện nước vẫn còn bẩn. Khi nước đủ sạch, máy cũng sẽ nhận biết là bát đĩa đã sạch.
Phía trong của máy rửa chén
Mặc dù máy rửa chén kín nước, nhưng chúng không thực sự chứa đầy nước. Chỉ có lòng chảo ở phía dưới đáy là đầy nước. Ở đây, những yếu tố nhiệt làm nước nóng lên đến 130 độ F (55 độ C), có khi 140 độ F (60 độ C). Sau đó, một máy bơm đẩy nước lên hệ thống vòi phun. Ở đây, nước được phun mạnh lên bề mặt bát đĩa bẩn. Hãy liên tưởng đến chiếc ống dẫn nước trong vườn không có đầu phun - nếu bạn đặt ngón tay cái lên miệng ống, sẽ làm giảm không gian nước thoát ra, và vì thế nước sẽ phụt ra mạnh hơn. Bộ phận vòi phun của máy rửa bát cũng hoạt động giống nguyên tắc này. Nước phun ra mạnh cũng làm cho cánh tay phun xoay, giống như vòi nước phun cỏ tự động mà ta hay thấy ở các công viên.

Sau quy trình phun xả làm sạch, nước lại thoát xuống bồn dưới đáy, ở đây máy bơm sẽ đẩy nước ra ngoài. Tùy thuộc vào loại máy rửa chén, nước thải sẽ đi trực tiếp xuống ống dẫn dưới bồn rửa chén, hoặc đi qua ống dẫn trong bồn của máy.
Bước cuối cùng trong chu trình rửa là chu trình sấy khô. Bộ phận nhiệt dưới đáy của máy sẽ làm nóng luồng không khí bên trong giúp sấy khô bát đĩa. Để tiết kiệm điện năng một số người không dùng đến chu trình này.
Máy rửa chén không quá máy móc phức tạp. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu những bộ phận chính của một máy rửa chén cơ bản.
Hệ thống điều khiển
Hệ thống điều khiển được đặt bên trong cánh cửa máy ngay phía dưới bảng điều khiển. Rất nhiều loại máy rửa bát dùng hệ thống điều khiển đơn giản như: bộ xác định thời gian một chu trình kéo dài bao lâu và kích hoạt các chức năng như xả nước tẩy rửa, phun rửa, xả nước... ở thời điểm thích hợp. Các loại máy đắt tiền có hệ thống điều khiển bằng máy tính. Những loại máy hiện đại bắt buộc phải chốt cửa máy mới cho vận hành, điều đó rất an toàn khi nhà có trẻ con.
Van nạp : Van nạp là nơi mà nguồn nước được dẫn trực tiếp vào máy. Bơm của van nạp không bơm nước vào chậu máy mà khi van nạp mở, áp lực nước đẩy nước vào bên trong máy.
Bơm : Một động cơ điện giúp cho bơm hoạt động. Trong suốt chu trình bơm nước, bơm sẽ đẩy nước vào những cánh tay phun. Trong chu trình thoát nước, bơm xả nước trực tiếp vào ống thoát nước. Bộ phận motor bơm được lắp ở phía dưới chậu, ở giữa máy. Có hai loại bơm chính:
Bơm nghịch đảo: loại bơm này bơm nước đến các cánh tay phun và bơm nước thải ra ngoài bằng cách đổi hướng của motor. Những bơm thuận nghịch thường được lắp theo chiều dọc.

Bơm trực tiếp: motor chạy theo một hướng, vì vậy hướng của dòng chảy được chuyển từ cánh tay phun đến chỗ thoát nước bằng vòng dây dẫn điện solenoid – vòng dây điện này cho phép mở và đóng các van thiết bị hoặc chuyển đổi ống dẫn nối với các ống dẫn khác. Bơm không nghịch đảo thường được lắp theo chiều ngang.
Máy rửa bát có thể được lắp đặt theo dạng di động hay cố định. Đối với loại máy có thể di chuyển được, mặt trên có thể được sử dụng làm quầy bếp. Khi không sử dụng, máy có thể để ở sát tường. Khi vận hành máy, nhờ vào các bánh xe nhỏ ta có thể đẩy máy đến bồn rửa ở đó máy được nối với vòi nước và cắm ổ cắm gần đó. Đối với loại máy lắp cố định, máy được lắp dưới quầy tủ và bu-lông có sẵn. Các ống dẫn nước dưới bồn rửa chén nối trực tiếp với ống nước nóng và ống thoát nước, loại máy cố định này thường cắm ở dưới bồn rửa. Cả hai loại này đều yêu cầu dòng điện 120V.
Kích thước
Máy rửa bát có rất nhiều kích cỡ khác nhau. Nhỏ nhất là mẫu máy rửa bát in-sink. Những mẫu này vừa bằng ½ của chiếc bồn rửa bát đôi trong bếp của bạn, sử dụng ít nước và hoàn tất chu trình rửa trong vòng 20 phút. Khi không sử dụng, bạn có thể đậy nắp lại và sử dụng được không gian mặt trên. Tuy nhiên, máy rửa bát dạng này không phổ biến, nếu như không muốn nói là không có bán ở Việt Nam.

Kích thước chuẩn của máy rửa bát là 60 cm. Tuy nhiên, các mẫu 45 cm luôn có sẵn, phổ biến cho các phòng bếp trong căn hộ. Rõ ràng, những máy rửa bát lớn hơn cho phép ta rửa nhiều bát đĩa hơn. Nếu gia đình bạn là một hộ gia đình lớn, thì nên chọn mẫu máy kích cỡ khoảng 75 cm. Còn bất kỳ mẫu máy rửa bát nào lớn hơn đều được xếp vào dòng máy thương mại (dùng cho các nhà bếp, nhà hàng mini...).
Máy rửa bát dạng ngăn kéo thường có kích thước như một tủ bát lớn. Loại máy này tốn ít nước và ít tốn điện năng hơn so với khi ta sử dụng máy rửa bát kích thước đầy đủ, và nó rất hợp với những căn bếp nhỏ không có không gian. Chúng còn có các mẫu ngăn kéo đôi hoạt động độc lập với nhau. Loại máy này cũng không phổ biến trên thị trường Việt Nam.